Trên 100 triệu người dân trên khắp đất nước phải đối mặt với cảnh báo và khuyến cáo nắng nóng.

Em nhỏ chơi đùa bên đài phun nước để tránh nóng tại hạt Orange, California, Mỹ, ngày 22/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan Khí tượng quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo, thành phố Baltimore (bang Maryland) và thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania) thuộc Bờ Đông của Mỹ có thể ghi nhận nền nhiệt kỷ lục gần 38 độ C trong ngày 23/6 theo giờ địa phương. Trong khi đó, nhiệt độ ở các bang ở Bờ Tây như Idaho, Montana và Wyoming có thể sẽ tăng lên khoảng 33 độ C, tức cao hơn 15 độ C so với nền nhiệt thông thường vào thời điểm này của năm. Dự báo đợt sóng nhiệt này sau đó sẽ còn lan sang 2 bang Nebraska và Kansas ở Trung Tây nước Mỹ.

Riêng đối với vùng đô thị Philadelphia, NWS đưa ra cảnh báo về những điều kiện thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi độ ẩm tăng cao có thể khiến nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời cao hơn nhiệt độ không khí, có thể vượt quá 41 độ C. Điều này làm con người cảm thấy nóng hơn.

Hiện nền nhiệt ở mức khoảng tiếp tục lan từ Virginia (bang Đông Nam Mỹ) sang New York ở Đông Bắc.

Trong bối cảnh nắng nóng cực đoan đang đặt ra nhiều thách thức ở nhiều bang, thì các bang khác lại đang ứng phó với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Giới chức New Mexico, bang Tây Nam nước Mỹ, đang gồng mình ứng phó với không chỉ nắng nóng gây cháy rừng mà còn bão cát và lũ lụt. Tình trạng cháy rừng ở New Mexico nghiêm trọng đến mức cướp đi sinh mạng của 2 người và phá hủy hoặc làm hư hại ít nhất 1.400 công trình. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước đã ban bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng tại bang New Mexico.

Các khu vực ở phía Tây Bắc bang Iowa ở Trung Tây nước Mỹ đang chìm trong lũ lụt do mưa lớn từ nhiều ngày qua. Thống đốc bang này hôm 22/6 đã phải ban bố thảm họa đối với 21 quận của bang do lũ lụt.

Nhà chức trách cũng đưa ra khuyến cáo về lũ lụt tại bang Minnesota ở phía Nam và bang South Dakota ở Đông Nam.

* Ở phía Bắc của châu Mỹ, các đám cháy rừng ở tỉnh Quebec của Canada đang bùng phát dữ dội, buộc giới chức phải chuyển 225 tù nhân tại trại giam Port-Cartier Institution ở Quebec sang các trại giam khác, để đảm bảo tính mạng cho họ.

Trong thông báo ngày 21/6, Cơ quan phòng chống cháy rừng SOPFEU của Quebec cho biết sét gây ra 7 đám cháy rừng ở phía Bắc thành phố Port-Cartier thuộc tỉnh trên, trong đó 2 đám cháy vượt ngoài tầm kiểm soát. Giới chức Canada dự báo nước này sẽ hứng chịu mùa hè năm nay nóng hơn, với nền nhiệt trung bình cao hơn mức trung bình của mọi năm.

* Trong khi đó, tại châu Âu, lũ lụt và lở đất do mưa lớn từ nhiều ngày qua đang hoành hành nhiều khu vực miền Nam Thụy Sĩ. Ngày 23/6, các cơ quan ứng phó với tình trạng khẩn cấp đã báo cáo 1 người thiệt mạng và 2 người mất tích do hiện tượng thời tiết cực đoan nói trên. Giới chức đã huy động khoảng 200 nhân viên cứu hộ cùng thiết bị bay không người lái, trực thăng và chó nghiệp vụ tham gia nỗ lực cứu hộ và dọn dẹp ở thung lũng Misox. Mưa lớn ở khu vực thung lũng này từ ngày 21/6 đã khiến mực nước ở một số sông trong vùng dâng cao, tràn bờ, gây lũ lụt trên diện rộng.

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu do con người gây ra mà biểu hiện là tình trạng nhiệt độ Trái Đất tăng cao được xem là nguyên nhân chính gây ra các đợt sóng nhiệt trên khắp Bắc Bán cầu trong tuần này.

Những đợt nắng nóng nguy hiểm đang bao trùm nhiều thành phố ở 4 châu lục trên thế giới và được cho là nguyên nhân chính khiến hàng trăm người t.ử v.ong ở các nước châu Á và châu Âu.

Ngày 23/6, Saudi Arabia cho biết trêm 1.300 người hành hương đã t.ử v.ong khi tham gia lễ hành hương Hajj năm nay do thời tiết nắng nóng gay gắt. Các nhà khoa học dự báo biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gây ra những hình thái thời tiết cực đoan trong hàng thập kỷ tới.